Từ gói thầu 35.000 tỷ đến “phép thử” cho tham vọng của ông Nguyễn Bá Dương
Gói thầu 5.10 nhà ga dự án sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ sẽ là bệ phóng tăng trưởng cho nhóm Vietur giai đoạn 2023-2026. Liên minh Vietur với nhiều cái tên trong “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương.
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã chính thức công bố Liên danh Vietur đã vượt qua vòng chấm thầu để trở thành nhà thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Điều này đồng nghĩa cuộc đua giành gói thầu lớn nhất dự án này đã đến phần“ngã ngũ”.
Theo đó, nhà thầu trúng thầu là liên danh Vietur gồm các công ty IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh), Ricons, Newtecons, SOL E&C, ATAD, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty cổ phần HAWEE cơ điện, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội… Liên danh Vietur sẽ phải vượt qua thêm 1 vòng đánh giá về năng lực tài chính.
Đáng chú ý, trong liên minh này có nhiều cái tên thuộc “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương là Ricons, Newtecons, SOL E&C. Đây từng là vị thuyền trưởng của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) – cũng là một trong số các doanh nghiệp nằm trong liên danh (Liên danh Hoa Lư) đấu thầu gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
CTCP Đầu tư – Xây dựng Ricons, thành lập năm 2004 từng trúng thầu nhiều dự án lớn như: The Manor Central Park 1 và 2 – Hà Nội, The River Thủ Thiêm, Celadon A5 Diamond Brilliant, Imperia Smart City…
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons được thành lập năm 2003. Trong 5 năm gần đây, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng trưởng liên tiếp, kể cả vào thời kỳ đại dịch và đạt 11.000 tỷ đồng trong năm 2022. Newtecons là tổng thầu một số dự án lớn như: Masteri Thảo Điền CT5, Asiana Đà Nẵng, The Sóng, Techcombank, Saigon Tower …
Còn CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C tiền thân là CTCP Vật liệu & Giải pháp S.M.A.R.T, thành lập năm 2015. SOL E&C giới thiệu ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch sáng lập. Trong năm 2022, SOL E&C đạt doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng.
Ngay khi “lọt” vòng trong dự án sân bay Long Thành, ông Nguyễn Bá Dương đã có thư gửi cán bộ nhân viên trong hệ sinh thái xây dựng gồm các công ty như: Ricons, Newtecons, Sol E&C, BM Windows Facade, Boho Decor, Design & Build Việt Nam và Areus Atelier.
Ông Nguyễn Bá Dương khẳng định trong tâm thư: “Triết lý của doanh nghiệp là không thắng thầu bằng mọi giá, hứa được – làm được, luôn chân thành và đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu”. Bức thư được phát đi nhân dịp hệ sinh thái của “ông trùm” ngành xây dựng sắp triển khai nhiều dự án lớn.
Vị thuyền trưởng này cũng nhận định, mặc dù thị trường bất động sản còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các công ty trong hệ sinh thái vẫn được chủ đầu tư tôn trọng và giao việc.
Nhìn từ gói thầu 35.000 tỉ đồng – lớn nhất sân bay Long Thành cho thấy, việc trúng thầu có thể thay đổi cả cục diện ngành xây dựng. Với ông Nguyễn Bá Dương, đó là một “phép thử” đầy tham vọng, là cuộc so kè “ngang sức, ngang tài” giữa các “ông trùm” ngành xây dựng Việt Nam với nhau.
Những năm qua, bên cạnh hai tên tuổi lớn của ngành xây dựng là Hòa Bình và Coteccons, thì Ricons và Newtecons cũng là những cái tên gây chú ý trong bảng xếp hạng của ngành xây dựng Việt Nam. Không có gì đáng nói khi ông Nguyễn Bá Dương – người từng gầy dựng nên đế chế Coteccons lại trở thành “đối thủ” trong cuộc giành những gói thầu xây dựng giá trị lớn.
Ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons, rời công ty xây dựng do chính mình sáng lập và đứng đầu suốt 16 năm. Đến nay, hệ sinh thái của ông Dương đang tạo vị thế nhất định trên thị trường xây dựng.
Dù chưa thể nói trước được điều gì, nhưng việc vào vòng trong của gói thầu 35.000 tỉ đồng, quy mô lớn nhất sân bay Long Thành cũng cho thấy, tiềm lực của những “đứa con” do ông Nguyễn Bá Dương dẫn dắt không phải dạng vừa.
Giới phân tích đánh giá, việc trúng gói thầu 5.10 là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Gói thầu vừa giúp tạo công ăn việc làm, tài chính, vừa nâng cao năng lực của các nhà thầu khi trực tiếp xây dựng các công trình tầm cỡ quốc tế như sân bay Long Thành.
Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).
Gói thầu 5.10 còn gây chú ý là bởi, khối lượng công việc này tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của hai ông lớn ngành xây dưng là Hoà Bình và Coteccons.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.