Trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi cuối năm 2022

Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2022, lùi một kỳ họp so với kế hoạch.

Chiều 13/6, gần 92,8% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau khi được trình tại kỳ họp cuối năm nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (hàng đầu, từ trái qua) biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (hàng đầu, từ trái qua) biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: Media Quốc hội

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có đại biểu đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đây là dự án luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai. Việc này nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ.

“Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua luật”, ông Tùng nói.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.

Giữa tháng 4, Chính phủ lần thứ tư xin lùi trình dự án dù nội dung này theo Nghị quyết của Quốc hội phải trình vào kỳ họp thứ 3, khai mạc tháng 5. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Dự luật cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Nghị quyết của Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *