Tại sao có khoảng trống nhà ở xã hội tại các ‘thủ phủ công nghiệp’ miền Trung?
Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được biết đến như là “thủ phủ công nghiệp” ở miền Trung, khi tập trung rất nhiều khu công nghiệp và thu hút hàng chục nghìn công nhân. Mặc dù các tỉnh này đã định hướng phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ người lao động nhưng đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn nhà ở xã hội và đến năm 2030 là 7.600 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các dự án về nhà ở xã hội cho công nhân tại Quảng Ngãi hầu như chưa triển khai.
Đơn cử, tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi có khoảng 65.000 lao động nhưng chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân của mình với khoảng 1.612 căn hộ. Còn lại, hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà ở với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn.
Theo ông Phạm Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đối với KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, do đó các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ nhu cầu của công nhân.
Đồng thời việc điều tra nhu cầu nhà ở công nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm, phối hợp, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho Ban Quản lý Khu kinh tế trong công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu thực sự của người lao động về nhà ở, để có cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở cho phù hợp với thực tế.
Ông Hà cũng cho biết, một nguyên nhân khiến nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chậm phát triển là do quy định về quy trình, thủ tục đầu tư… đối với dự án nhà ở xã hội giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở chưa có sự đồng nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại và chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành nên đối tượng thụ hưởng chính là người mua, thuê, thuê mua. Vì vậy, theo quy luật kinh doanh, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội là rất khó khăn.
Tương tự, từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đã thu hút được 197 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị nhà ở. Đáng chú ý, hiện KKT Chu Lai đang giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Hay KCN Điện Nam – Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) đang có hơn 22.000 lao động làm việc. Để phục vụ nhà ở cho công nhân tại khu vực này, tỉnh Quảng Nam đã phát triển 2 dự án nhà ở xã hội là khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP STO và khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH Bất động sản châu Âu. Tuy nhiên, đến nay cả 2 dự án này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng như mục tiêu đề ra.