Lâm Đồng lên kế hoạch hút loạt ông lớn Vingroup, Sungroup, Hưng Thịnh, Him Lam, Sovico, Bitexco, Becamex…đầu tư vào tỉnh

Trong báo cáo, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 7 dự án vốn trong nước được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.865 tỷ đồng. Đồng thời có 28 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư và 4 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 974 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 144.200 tỷ đồng. Trong đó có 603 dự án đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động.

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực.

Theo quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh kêu gọi đầu tư 142 dự án. Các dự án thuộc các lĩnh vực: khu nhà ở, khu đô thị, nhà ở xã hội; công nghiệp; du lịch; cấp thoát nước, xử lý rác và công trình hạ tầng kỹ thuật; thương mại, dịch vụ; văn hóa, thể thao; y tế; giáo dục, đào tạo; nông nghiệp.

Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai các thủ tục đầu tư. Chẳng hạn dự án khu du lịch Đankia – Suối Vàng đã được tổ chức công bố quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã thành lập tổ tư vấn thu hút đầu tư vào khu du lịch.

Đối với dự án khu du lịch hồ Prenn, tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu và hiện đang tổ chức thẩm định đồ án theo quy hoạch.

Riêng dự án khu du lịch núi Sa Pung thì hồ sơ đề nghị phê duyệt nhiệm vụ dự toán đồ án quy hoạch đã hoàn thành.

Ngày 16/6 vừa qua Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo của công tác lập quy hoạch dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2024 địa phương sẽ xúc tiến đầu tư đối với các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, nhà ở và khu đô thị.

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch, nhất là tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, các công trình trọng điểm về du lịch (khu du lịch Đankia – Suối Vàng, hồ Prenn, núi Sa Pung, hồ Đại Ninh) và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.

Lâm Đồng sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc để xây dựng các khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng, khách sạn cao cấp,…

Về lĩnh vực dịch vụ, địa phương ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án về lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, tài chính thương mại, dịch vụ logistics, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin – điện tử, du lịch,…

Tỉnh này cũng thu hút đầu tư trung tâm thương mại cao cấp và các trung tâm – thương mại dịch vụ lớn, hiện đại; thu hút đầu tư trung tâm hội nghị quốc tế tại thành phố Đà Lạt.

Lâm Đồng cũng sẽ thu hút đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị mới theo quyết định số 3107/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm.

Trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Lâm Đồng sẽ huy động nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng như, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; các tuyến quốc lộ 27, 55, 27C; khôi phục đường sắt Phan Rang – Tháp Chàm – Đà Lạt;…

Riêng về đối tác đầu tư, địa phương sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với một số nhà đầu tư lớn trong nước như, Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Sovico, Hưng Thịnh, Him Lam, Bitexco, Becamex,…

Song song với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ và kết nối, cung cấp thông tin về các dự án, các lĩnh vực cho các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư tại Lâm Đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *