Hôm nay (ngày 16/6), Quốc hội thông qua các dự án Luật: Sở hữu trí tuệ; Kinh doanh bảo hiểm; các dự án đường cao tốc và họp phiên bế mạc

 Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, hôm nay ngày 16/6, Quốc hội thông qua các dự án Luật: Sở hữu trí tuệ; Kinh doanh bảo hiểm; các dự án đường cao tốc và họp phiên bế mạc sau 19 ngày làm việc trực tiếp tại hội trường (từ ngày 23/5-16/6).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Các Bộ trưởng trả lời chất vấn thẳng thắn, không vòng vo hay né tránh vấn đề khó, phức tạp
Hôm nay, Quốc hội thông qua các dự án Luật: Sở hữu trí tuệ; Kinh doanh bảo hiểm; các dự án đường cao tốc và họp phiên bế mạc sau 19 ngày làm việc.

Theo dự kiến chương trình, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1); Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề cụ thể sau: việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng; tác giả, quyền tác giả, đồng tác giả; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp; cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước…

Các đại biểu cũng thảo luận về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng; quyền và nhiệm vụ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; giới hạn quyền tác giả; kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài; việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca…

Ngoài ra, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cần bổ sung một số nội dung sau: thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc cấp lại, đổi giấy chứng nhận quyền đăng ký tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; bổ sung khái niệm dụng ý xấu được sử dụng trong dự thảo Luật vào điều khoản giải thích từ ngữ; bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, côn trùng, ong vào dự thảo Luật…

Cùng với đó là làm rõ hơn các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, các nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam, đồng thời, làm rõ cách phân chia lợi nhuận cho cộng đồng bản địa đó; nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng thời nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung như: Chính sách phát triển, quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Các loại hình bảo hiểm; Bảo hiểm bắt buộc; Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm; Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn; Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm; Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm;

Các đại biểu cũng cho ý kiến về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Bảo hiểm vi mô; Các hành vi bị nghiêm cấm; An toàn tài chính; Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin; Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết; Áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế;…

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, sáng ngày 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Tại phiên thảo luận đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 3 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị.

Qua đó tăng cường liên kết, tác động lan tỏa, đáp ứng yêu cầu của các địa phương mà dự án đi qua trong khai thác, phát huy những tiềm năng; hỗ trợ, tạo kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh trong khu vực.

Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án xây dựng đường bộ cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, giải quyết được điểm tắc nghẽn về hạ tầng giao thông các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng và khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu đã tập trung thảo luận về: sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch; phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách Trung ương; các cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị rà soát ba tuyến cao tốc bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch của các địa phương và quỹ đất được sử dụng hai bên đường cao tốc; làm rõ phạm vi đầu tư nguồn vốn sử dụng cho dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đối với đoạn đi trùng với cao tốc Bắc – Nam phía Đông, lý do không đầu tư dự án này theo hình thức PPP.

Các đại biểu cũng thảo luận về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nguồn st Baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *