Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, thực tế hiện nay nhiều dự án quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 21-6 để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Từ thực tiễn thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đã góp ý vào điều 76 tại dự thảo luật về nội dung này. Trong đó có tính trạng quy hoạch “treo”, chậm triển khai kế hoạch sử dụng đất gây thiệt hại và bức xúc trong nhân dân; đất chậm được đưa vào sử dụng gây lãng phí.
Theo quy định Khoản 3, 4 Điều 76, trường hợp đất đã được quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất; trường hợp đất quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định như không được xây dựng mới nhà ở, công trình, cây trồng lâu năm, nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, thực tế hiện nay nhiều dự án quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. “Quy định trong dự thảo Luật cho rằng nếu đã quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất. Nhưng thực tế, nếu nhà đất vướng quy hoạch trong trường hợp được phép chuyển nhượng thì cũng bị hạn chế về giá, khó giao dịch, không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, người dân bức xúc”- đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu rõ.
Mặt khác, dự thảo luật cũng có quy định sau 3 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ.
“Nếu có căn cứ hủy bỏ thì quyền của người sử dụng đất có thể bị ảnh hưởng ít. Trường hợp tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo nhưng trong thực tế vẫn không thực hiện được thì đến khi nào mới dừng, kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến người sử dụng đất trong vùng được quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất”- đại biểu Huỳnh Thanh Phương băn khoăn.
Do vậy, vị đại biểu đoàn Tây Ninh đề nghị làm rõ hơn về quyền của người sử dụng đất trong trường hợp đất đã được quy hoạch, đã có kế hoạch sử dụng đất và làm rõ hơn trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, mục đích quốc phòng an ninh phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo ông Trí, dự thảo luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai.
Vì vậy, dự thảo luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho biết thêm khi mà Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo ông Trí, thực trạng trên gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.