Cẩn thận với dự án ‘ma’
Tới thời điểm này, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên sau thời gian dài ảm đạm. Tuy rằng, theo giới chuyên gia, có thể tới quý II/2024 thị trường mới thực sự hồi phục, nhưng điều rất đáng nói là cũng đã lại manh nha xuất hiện “sóng” bất động sản, trong đó có các dự án
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 5 bị cáo trong vụ vẽ dự án “ma” để chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần thương mại dịch vụ xây dựng đầu tư và phát triển địa ốc Bình Dương City Land. Theo cáo trạng, các bị cáo này góp vốn thành lập Công ty Bình Dương City Land, rồi mua nhiều thửa đất ở huyện Bàu Bàng và huyện Phú Giáo có mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Sau đó xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm dự án đất ở, nhà ở, nhưng không được chấp thuận.
Tuy nhiên, các bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối khi “vẽ” dự án nhà ở, rao bán và ký 455 hợp đồng chuyển nhượng 455 lô đất ở 7 dự án chưa được cấp phép và 1 hợp đồng môi giới, để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 162 tỷ đồng. Trong số người bị lừa gạt, mới chỉ có 176 người được trả lại một phần tiền chiếm đoạt là 18 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa khắc phục trả lại cho 384 bị hại khác là hơn 144 tỷ đồng.
Trong số người bị “sập bẫy”, chỉ số ít người là đầu tư mang tính kinh doanh, còn lại phần lớn là lao động xa quê đến Bình Dương làm việc. Họ chắt chiu nhịn ăn nhịn mặc, vay mượn khắp nơi để nộp tiền mà không hề biết đó là dự án “ma”, bởi các đối tượng “diễn như thật” khi tổ chức các buổi bán hàng đã thuê mướn máy móc, san lấp để khách hàng tin tưởng xuống tiền đặt cọc.
Nhu cầu đầu tư và sở hữu bất động sản để an cư lạc nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh thì không chỉ xuất hiện những dự án “ma” mà hàng loạt chiêu trò lừa đảo cũng được các đối tượng tung ra nhằm thao túng tâm lý, đưa nhà đầu tư cá nhân vào bẫy. Khi thị trường ấm lên thì nguy cơ cũng tăng lên.
Đáng chú ý, mặc dù đã có nhiều dự án “ma” bị xử lý, các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Phần thì do thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo quá tinh vi, phần thì do người mua không tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm, và cũng còn do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.
Tình trạng công ty bất động sản nói một đằng, làm một nẻo, tạo ra các dự án “ma” không thể hoành hành nếu địa phương nơi có dự án kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ như trong vụ Bình Dương City Land, địa phương không thể không biết đó là đất nông nghiệp nhưng vẫn để xảy ra việc nhóm lừa đảo thuê cả xe ủi về san gạt, rầm rầm rộ rộ.
Vậy, người đầu tư làm gì để nhận biết dự án “ma” nhằm tránh sập bẫy? Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì một số dấu hiệu mà nhà đầu tư có thể nhận diện được, như: Chủ đầu tư không cung cấp được hồ sơ pháp lý của dự án (Giấy phép xây dựng, Quy hoạch 1/500, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…); Thông tin về dự án mập mờ, chung chung hoặc không có. Đặc biệt là “dự án” có đội ngũ nhân viên môi giới hùng hậu, thường xuyên thúc giục đầu tư vào nhưng lại hạn chế hay chậm trễ cung cấp thông tin pháp lý về dự án. Hợp đồng mua bán không quy định rõ thời gian bàn giao nhà, đất, không quy định rõ trách nhiệm bồi thường của chủ đầu tư khi xảy ra sai phạm…
Tới nay, sau thời gian nhàn rỗi, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, lượng khách tìm mua nhà, đất nhiều hơn thì môi giới cũng vào cuộc đua mời chào khách. Các “cò” đất lại tấp nập hoạt động. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cảnh báo, sau thời gian “trú ẩn” trong ngân hàng, dòng tiền cá nhân đã bắt đầu giải ngân vào các giao dịch bất động sản. Giới đầu tư lại vào hành trình đi săn đất khi thị trường xuất hiện điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng khi được môi giới mời chào với những lời ngon ngọt như rót mật vào tai để đẩy giá lên, thậm chí hô giá “ảo” để làm nóng thị trường.
Dự án “ma” không còn là cụm từ xa lạ đối với người dân và cũng không ít người phải khốn đốn, nhưng vẫn tồn tại. Thực tế đó đòi hỏi không chỉ xử lý sai phạm của doanh nghiệp, mà phải xem xét trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm của chính quyền các địa phương. Và đây phải được coi là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những vụ lừa đảo bất động sản vẫn đã và đang diễn ra, khiến nhiều người sa cơ lỡ bước.
Còn với những người có ý định mua nhà, đất khi thị trường “ấm” lên thì cái đầu lại càng phải “lạnh”.