Tưởng mua được “hàng ngộp”, vợ chồng trẻ tá hoả khi căn nhà đất đang được ngân hàng phát mãi

Sau thời gian “săn” hàng kiếm tìm bất động sản giá rẻ, đôi vợ chồng trẻ bất ngờ khi hoá ra căn nhà của chủ rao bán đang được ngân hàng phát mãi.

Chị Ngọc Liên (Nam Định) được môi giới ở Hà Nội giới thiệu “hàng ngộp” là căn nhà đất ở vùng ven Thủ đô. Căn nhà có diện tích hơn 100m2, 4 tầng, nằm trên lô đất quy mô 150m2, nằm ở vị trí đẹp, có thể kinh doanh nhà nghỉ. Mức giá mà chủ nhà đang muốn thu về là 6 tỷ đồng. Nếu so với vị trí, tài sản trên đất, vợ chồng chị Liên nhận thấy: “Đây đúng là bất động sản tốt, giá hợp lý. Chủ thông báo, nếu thiện chí sẽ bớt 500 triệu đồng. Do chủ vỡ nợ cần tiền gấp nên mới bán gấp, cũng mong nhận được thiện chí từ người mua, cọc tiền vài tỷ để họ tất toán khoản vay”.

Theo giấy tờ cung cấp photo, chị Liên nhận thấy, sổ đỏ đứng tên chính chủ. Các giấy tờ như giấy phép xây dựng đều đầy đủ. Căn nhà không nằm trong diện quy hoạch.

Theo như dự tính, vợ chồng chị Liên mong muốn mua căn nhà đất, có thể tạo ra dòng tiền đều đặn mỗi tháng. Chị Liên kỳ vọng mua được giá rẻ trong thời điểm thị trường trầm lắng hiện nay. Xét về căn nhà đất được giới thiệu, hai vợ chồng chị đều hài lòng và chấp thuận cọc 2 tỷ đồng, sau đó ra công chứng xác nhận cọc khoản tiền này, chờ chủ nhà tất toán khoản vay.

Tuy nhiên, trước ngày cọc tiền, khi đến xem lại căn nhà đất, vô tình gặp một người hàng xóm xung quanh, hai vợ chồng chị Liên mới tá hoả khi: Căn nhà này đang được ngân hàng phát mãi, do chủ mất khả năng thanh toán hơn 2 năm nay.

Qua tìm hiểu, chị Liên mới biết, chủ nhà thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng vào năm 2016, đến năm 2020, chủ nhà đã không thể thanh toán được khoản nợ gốc. Và sau nhiều lần ngân hàng gửi giấy về, chủ đã rao bán cắt lỗ với giá 8 tỷ đồng chưa thành. Đến khi ngân hàng phát mãi, chủ đất rao còn hơn 5 tỷ, với mong muốn “có thêm khoản lời” từ việc bán nhà, thay vì chấp nhận để ngân hàng phát mãi.

“Chúng tôi quyết định không mua vì lo ngại rủi ro do theo tôi được hiểu, nếu chủ không trả được nợ, thì tài sản thuộc về phía ngân hàng”, chị Liên nói.

Anh Thái Bình (nhà đầu tư 9 năm kinh nghiệm đến từ Hà Nội) khuyến nghị: Người mua không nên tham gia vào mua bất động sản phát mãi từ phía chủ nhà rao do không chỉ vướng mắc về vấn đề pháp lý mà còn tốn kém chi phí liên quan. Chưa kể, rủi ro sẽ nghiêng về phía chính mình.

Anh Bình cho biết, thời gian vừa qua, nhiều nhà bán “hàng ngộp”. Thông thường các hàng ngộp có thể xảy ra trong trường hợp sau.

Thứ nhất, “hàng ngộp” do gia đình chủ bất động sản gặp biến cố như nợ, ốm đau, làm ăn thua lỗ từ chứng khoán tiền ảo cần bán gấp.

Thứ hai, những nhà đầu tư lớn “ngộp hàng” do mua gom, phân lô, định bán trong thời kỳ sốt đất nhưng không kịp bán thị thị trường đi xuống. Họ bị kẹt hàng, muốn bán giá thấp nhưng thanh khỏan không xảy ra. Với trường hợp này, người mua rất cẩn trọng do có thể thời sốt đất, chủ đất rao quá cao, nhưng khi rao thành “cắt lỗ”, có thể chủ vẫn lời.

Thứ ba, những hàng ngộp giá rẻ được chủ đầu tư chào bán với lãi suất 0 đồng kéo dài 18 tháng -36 tháng. Đây là sản phẩm mà người mua phải cân nhắc vì tiến độ của dự án có thể bị chậm do chủ đầu tư gặp khó về dòng tiền.

Thứ tư, một số “hàng ngộp” bán rẻ xuất phát từ việc chủ đất đang vường vào nợ xấu nhóm 3. Người mua cần phải phân tích lường trước rủi ro. Hoặc “hàng ngộp” nhưng là bất động sản đang được ngân hàng phát mãi. Trường hợp này, người mua nên tránh xa.

Thứ năm, có nhiều lô đất tưởng “ngộp” nhưng thực tế là chiêu trò của môi giới: Tăng giá bất thường rồi đẩy giá xuống thấp nhưng vẫn lời lớn so với giá vốn. Trường hợp này, người mua nên tìm hiểu kĩ trước khi đưa ra quyết định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *