Dự báo thị trường bất động sản chỉ có thể đi ngang trong năm 2023 và phải đợi đến giai đoạn 2024-2026 mới hồi phục
Thanh khoản đã khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp ồ ạt đẩy hàng, trong bối cảnh lãi suất bắt đầu giảm… nhưng loạt tín hiệu đó chưa đủ để khiến một số chuyên gia nhận định lạc quan vào thị trường địa ốc.
Trải qua khó khăn hơn 1 năm khi lãi suất tăng cao, tình trạng cắt lỗ phủ lấp thị trường, sự kỳ vọng lạc quan vào bất động sản đã từng giảm sút mạnh mẽ. Nhưng đến hiện tại khi hàng loạt động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, lãi suất cho vay bất động sản liên tục hạ cùng niềm tin của giới đầu tư dần trở lại, thị trường đã nhen nhóm tín hiệu khởi sắc.
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư đã quay trở lại, thanh khoản bắt đầu xuất hiện nhiều dự án và thậm chí trên thị trường thứ cấp, các thông tin vĩ mô tích cực liên tục góp phần “rã băng” bất động sản.
Nhiều dự báo cho rằng, cuối năm, thị trường sẽ thoát đáy và hồi phục.
Thế nhưng ở góc nhìn đầy thận trọng, một số chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng: “Nhận định này lạc quan quá sớm”.
Nhà đầu tư cá nhân Lê Quốc Kiên đến từ Sài Gòn cho rằng, từ thời điểm tháng 5/2023, lúc lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm, thị trường đã có giao dịch trở lại. Theo kinh nghiệm, thời điểm bắt đầu giảm lãi suất cũng là lúc thị trường có thể không xấu hơn nữa. Tuy nhiên, cần phân biệt “không xấu hơn nữa” và “có giao dịch trở lại” không đồng nghĩa với việc thị trường “đã hồi phục”.
Vị này đưa ra minh hoạ khá thú vị, đó là trước thời điểm thị trường khó khăn, thị trường ở thang điểm 10, giai đoạn 2022-đầu năm 2023, thị trường về con số 0 còn ở hiện tại, thị trường mới trở lại thang điểm số 3. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường chưa thực sự hồi phục.
Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc, Colliers (Vietnam) nhận định, không nằm ngoài diễn biến chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các thị trường lân cận, kịch bản bất động sản phục hồi hoàn toàn trong năm nay sẽ khó xảy ra cho Việt Nam.
Ông David Jackson phân tích thêm, trên bình diện toàn cầu, bất động sản thương mại (nhà ở thương mại, văn phòng, bất động sản bán lẻ và công nghiệp) hiện đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Bởi vì các Ngân hàng Trung ương vẫn neo lãi suất cho vay cao để đối phó với lạm phát, khiến chi phí đi vay đắt đỏ hơn.
Điều này làm giảm thanh khoản và giá trị của tài sản, dẫn đến chỉ số vốn vay trên giá trị (loan-to-value ratio) của tài sản cao hơn và đẩy doanh nghiệp bất động sản vào tình thế mắc kẹt.
Doanh nghiệp phải giảm giá để bán tài sản nhanh hơn để trả nợ ngân hàng, càng tạo cơ sở để tài sản bị định giá thấp, tạo ra hiện tượng tái lập mức giá mới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty PropertyGuru Việt Nam cho rằng, về nhu cầu giao dịch, dữ liệu của đơn vị nghiên cứu này chỉ ra, trong nửa đầu năm 2023, lượng tìm mua bất động sản toàn quốc giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán bất động sản, phần nào thể hiện nguồn cung, cũng giảm đến 44%.
Sau đợt sụt giảm mạnh gần 9 tháng qua, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản trên cả nước đã tăng nhẹ 1% trong quý II/2023. Thị trường bất động sản đã trải qua nhiều khó khăn nên sẽ tiếp tục cần thêm thời gian để phục hồi.
Đưa ra loạt tín hiệu, ông Quốc Anh nhận định: “Từ nay đến cuối năm, thị trường có thể sẽ đi ngang”. Vị này dự báo, dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện tốt hơn trong giai đoạn 2024 – 2026. Lúc này, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu. Đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng trở lại.