Tá hỏa phát hiện “cò đất” bán chênh cả tỷ đồng giữa bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng
Không khó để bắt gặp một sản phẩm bất động sản được nhiều môi giới khác nhau rao bán với mức giá khác nhau. Tuy nhiên, có trường hợp mức giá các môi giới đưa ra lại chênh lệch rất lớn.
Tình trạng môi giới bất động sản rao bán chênh so với mức giá của chủ nhà đưa ra không mới trên thị trường. Với chiêu thức này, các môi giới dù không phải bỏ vốn ôm hàng nhưng vẫn có lời lớn.
Tưởng rằng, việc môi giới bán chênh chỉ diễn ra trong bối cảnh thị trường sôi động. Song, thời gian gần đây tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí môi giới còn bán chênh hàng tỷ đồng. Khiến chủ nhà khi phát hiện cũng phải ngã ngửa.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời điểm tháng 5/2023, anh gửi môi giới bán một căn nhà mặt phố đã xây dựng 5 tầng, nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân có diện tích 60m2, với giá 20 tỷ đồng, tương đương hơn 330 triệu đồng/m2.
“Căn nhà đó vẫn đang được tôi cho thuê với mức giá 40 triệu đồng/tháng. Trước khi đưa ra giá bán tôi đã tham khảo môi giới, họ nói mức giá đã sát với thị trường. Vì tin tưởng nên tôi cũng chỉ gửi 1 đơn vị rao bán. Tuy nhiên, chờ đợi hơn 1 tháng, tôi vẫn không thấy có thông tin gì mới. Tôi có hỏi người đang thuê nhà, được biết thi thoảng môi giới có dẫn khách tới xem”, anh Tuấn Anh nói.
Vì đến giai đoạn cần tiền gấp, anh Tuấn Anh liên tục thúc giục, song cũng chỉ nhận được câu trả lời từ môi giới: “Thị trường bất động sản hiện trầm lắng, vắng khách mua nên phải chờ thêm”.
Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tuần, anh Tuấn Anh tham gia vào các hội nhóm về bất động sản trên Facebook để chủ động kết hợp rao bán. Lúc này, anh mới tá hỏa phát hiện căn nhà của mình được các môi giới rao bán với mức giá 22 – 23,5 tỷ đồng. Vì bức xúc, anh Tuấn Anh đã giao cho các đơn vị khác rao bán.
“Thực tế, tôi đã chấp nhận trả môi giới mức phí hoa hồng cao hơn bình thường vì biết thị trường kém thanh khoản. Có thể đây là một phần lý do khiến căn nhà của tôi khó bán thời gian qua. Khoảng 10 ngày trước tôi đã gửi các đơn vị khác rao bán. Đến nay tôi đang thương thảo về giá với 2 khách mua. Nếu thuận lợi, có thể căn nhà sẽ sớm sang tay chủ mới”, anh Tuấn Anh nói.
Thực tế, cùng một căn nhà nhưng được rao bán nhiều mức giá khác nhau khiến người mua cũng bị loạn giá. Theo đó, họ cảm thấy nghi ngờ về sản phẩm, thậm chí họ né tránh khi mua. Mặc dù thị trường trầm lắng, song tại các trang mua bán bất động sản, không khó để bắt gặp trường hợp cùng một căn nhà, mảnh đất nhưng được các môi giới rao bán với sự chênh lệch lớn về giá.
Đơn cử, một căn nhà có diện tích 51m2 được xây dựng 6 tầng tại mặt phố Thanh Đàm, môi giới tên N.T.T rao bán với giá 11,8 tỷ đồng. Nhưng cũng tại trang mua bán đó, môi giới khác lại rao bán căn nhà với giá 13,5 tỷ đồng, chênh lệch 1,7 tỷ đồng.
Theo anh Vũ Thanh Tùng, chủ một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, chuyện môi giới bán chênh không hiếm trên thị trường bất động sản. Còn có trường hợp môi giới thỏa thuận khách sẽ thu về số tiền mong muốn. Môi giới sẽ nhận về phần chênh lệch thay vì người bán phải trả phí hoa hồng. Tuy nhiên, theo anh Tùng nếu như trước kia trong lúc thị trường sôi động có thể dễ bán, còn thời điểm này giảm giá bán cũng khó.
“Việc mua bán dễ dàng đa phần vẫn phải qua môi giới vì họ có tệp khách hàng rộng. Tuy nhiên, môi giới bán chênh trong thời điểm này không khác gì kéo thêm người mua vào thế khó. Người muốn bán thì không bán được, còn môi giới thì vẫn không có giao dịch, đồng nghĩa không lấy được tiền hoa hồng”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, thực tế, những bất động sản phục vụ nhu cầu thực vẫn có giao dịch, khác với phân khúc đất nền. Nhưng việc một căn nhà/mảnh đất được rao bán với nhiều mức giá khác nhau khiến người mua cũng bị loạn, như lạc vào ma trận. Từ đó, khách mua sẽ có phần cảnh giác, hoặc né tránh. Do vậy, sản phẩm bất động sản đó càng trở nên khó thanh khoản, nhất là trong bối cảnh khách hàng có nhiều sự lựa chọn như hiện nay.
Ở góc nhìn của chuyên gia, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện đang xuất hiện tình trạng một số khu vực nhà đầu tư chấp nhận giảm giá lên tới 20% nhưng vẫn không bán được. Hay nói cách khác là tình trạng đóng băng mà nhiều người vẫn không hiểu vì sao.
Ông Hiện cho rằng, có một thực trạng là nhiều người gửi “cò đất” bán nhưng cò vẫn giữ ở một mức giá nào đó trên thị trường cao hơn giá mà người bán đưa ra, do đó mới khó bán. Song, theo phân tích của vị này, không phải sản phẩm nào giảm giá cũng hấp dẫn người mua.